.





XIN CÁM ƠN QUÝ THẦY CÔ VÀ QUÝ ANH CHỊ EM CỰU HS TRUNG HỌC BAN MÊ THUỘT VÀO THĂM TRANG NÀY






THĂM THẦY CÔ

THĂM THẦY CÔ


Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

TẢN MẠN BUỔI HỌP MẶT TIỄN THẦY VÕ NGỌC LÔ


Thường những buổi họp mặt của các CHS TH/BMT đưa đón các Thầy Cô thì dường như tôi được giao phó nhiệm vụ (?) viết bài ghi chép để gởi đến các bạn không có điều kiện tham gia.Vài câu ghi chép thì ai mà làm không được? Nhưng có lẽ đa số thích coi hình rồi vui vẻ hơn là ngồi nặn óc mà gõ vài câu chữ. 

Khi biết tin, trong đầu đã nghĩ sẽ cố ghi nhớ lại các sự kiện xảy ra rồi “nghĩ ngợi” thêm một chút để viết thành một bài hay hay coi như một món quà tinh thần tặng Thầy Cô trước lúc xa quê hương, nhưng người tổ chức buổi họp mặt giao cho cây súng mà không giao đạn thì làm sao mà đì đoàng cho nó hoành tráng được? Tôi được xếp chỗ ngồi cách xa hai nhân vật chính với những người lạ hoắc chung quanh nên không thể nghe những lời phát biểu của Thầy Cô, bởi thế cho nên…những con chữ ở đây chỉ là những suy diễn chủ quan nên chỉ có thể gọi là một bài tản mạn hơn là một bài ghi chép.
                                                            ********
Đang ngồi làm vài việc vớ vẩn thì điện thoại reo. Cầm máy lên thấy hiện ra hai chữ HỒNG B. Mỗi khi “con chim xanh” nầy liên lạc thì thể nào cũng có chuyện họp mặt họp miếc gì đây và cần tôi tham dự để ghi chép lại.
Y như kinh! Hồng B thông báo về buổi họp mặt của các CHS để tiễn Thầy Cô đi định cư bên Mỹ, nhưng ý Thầy Cô không muốn tổ chức rình rang nên nhờ các bạn thông báo đến vài nhóm nhỏ CHS mà họ có liên lạc. Tôi đồng ý ngay thôi. Nói ba đồng bảy đỗi cô nàng quên không thông báo địa điểm, tôi nhắc thì nói một lèo. Trời! Ba cái vụ nhà hàng nhà hiếc nầy nằm chỗ nào tôi đâu có rành, làm ơn gởi tin nhắn giùm đi.
Cô nàng nầy theo tôi cũng lạ! Chỉ học hai năm ở trường Trung Học Banmêthuột thì phải theo gia đình chuyển trường đi, vậy mà bây giờ hết sức gắn bó và năng nổ trong những việc sự vụ có liên quan đến ngôi trường ở cái tỉnh lỵ heo hút ấy. Nếu căn cứ vào bề nổi thì tôi sẵn sàng cho cô ấy điểm mười theo thang điểm bây giờ dựa vào những hoạt động cụ thể của cô.
Ngay trong đêm, tôi đã xúc cảm viết bài thơ Tiễn Thầy như để gởi gắm vào trong đó chút niềm riêng rồi đăng lên facebook.
Sáng hôm sau, một giọng đàn ông Huế nhẹ nhàng cất lên trong điện thoại:
 - Phải Kiều Văn Hùng không? Có biết ai đây không?

Ôi Thầy ơi! Dù đã hơn bốn mươi năm trôi qua, nhưng cái giọng nhẹ nhàng của chàng trai Huế ấy đâu dễ phai nhạt trong tiềm thức của em, nó không thể nào chìm lẫn nhạt nhòa trong mớ sự kiện hỗn độn đã trôi qua trong cuộc đời “chàng trai hơn sáu mươi tuổi” nầy. Ngày ấy, tuy ngồi trong lớp mơ màng đến những cuộc đua xe, những bóng hồng tươi thắm lướt qua trong trái tim tươi trẻ, nhưng giọng Huế nhẹ nhàng quyến rũ ấy cứ rót vào tai, chảy xuống trái tim rồi chuyển lên bộ nhớ rồi nằm yên mãi ở đấy. Không thế mà “cua” được Cô à? Nhất là những buổi tập hợp xướng bài Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận để chuẩn bị cho đêm trình diễn văn nghệ cuối năm của trường khiến tình cảm  người Thầy trẻ tuổi càng xít lại gần hơn với đám học-trò-đã-có-thẻ-căn-cước.
Tưởng dáng vẻ thư sinh ăn nói nhẹ nhàng ấy mà hiền ư? Cứ thấy Thầy “xử” Võ Ngọc Văn anh bạn cùng lớp của tôi ngay tại trường thì thằng nào cũng…ớn lạnh xương sống!
       - Dạ nhớ!
- Có đi dự họp mặt tiễn Thầy không?
- Dạ có! Đã hứa với các bạn rồi.
- Bài thơ Tiễn Thầy hay quá, làm Cô Trâm rất xúc động! Phải có mặt nghe, nhớ đem theo ít bài thơ nữa.
Rồi Thầy nhắc lại về ban Đại hợp xướng hoàng tráng ấy và thắc mắc sao Thầy tìm hoài trong hình không thấy Hùng? Chèn ơi! Lúc đó nó thấp có chút xíu bị các bạn khác che mất rồi Thầy ơi! Hì…Hì…
Bữa sau, nàng Nhịn lại điện thoại tới nhắc vì biết tính tôi hay “xù”. Lại phải hứa chắc như đinh đóng cột với cô nàng. Nàng còn nhắn vói bữa đó nhớ đọc bài thơ nghen.
                                                            *********
Mấy bữa nay, trời Sàigòn chiều nào cũng mưa. Chiều Chủ nhật cũng hơi âm u nhưng…tốt! Tôi lạng lách trên đường phố tới cho kịp đúng giờ vì địa điểm tổ chức buổi tiệc nằm khá xa nơi tôi ở. Một thói quen tốt mà chiến tranh đã dạy cho tôi đấy. Trễ giờ hẹn nó bỏ lại không bốc về thì…tiêu!
Tới nơi rất đúng giờ. Đã thấy Lâm Dũng, Nguyễn Viết Kình và vài bạn nữa ngồi dưới bàn trước cửa chờ đón khách. Đã biết nhiều qua các bài viết dưới bút hiệu Kình cà rem hay các lần tương trợ các bạn cùng lớp gặp khó khăn như Y Sami, gần đây nhất là vụ Phạm văn Lộc trong vụ hỏa hoạn ở đường Y-Jut nên thâm tâm tôi rất quý Kình. Lần đầu tiên gặp mặt, nhưng anh chàng rất vồn vã khiến không khí thân mật hẳn lên.
Chỉ ít phút sau thì Thầy Lô và Cô Trâm tới. Tay bắt mặt mừng rồi Cô Trâm cười cười nói nhỏ:
- Chào “chòi thơ”! Cái chòi thơ nầy chắc phải khá lớn mới chứa hết những bài thơ đó.
Cái danh xưng nầy tự tôi đặt cho mình thôi bởi đâu dám nhận mình là nhà thơ nghe nó to lớn quá khi chỉ mới viết được vài bài thơ nhỏ, tuy nhiên trong đó cũng có ít bài thơ đã làm lay-động-lòng-người mà Cô Trâm đã biểu hiện cảm xúc dạt dào khi đọc bài thơ Tiễn Thầy mới đây.
Tất cả đi lên tầng 1 của nhà hàng, ở đó một số bạn đã tới khá sớm và Thụy đang đứng ở cửa đón khách. Một cái bắt tay siết chặt nồng nàn thể hiện tình cảm chân thành. Tôi thích anh chàng nầy trong những buổi họp mặt trước với sự nhiệt tình và tài khuấy động không khí buổi tiệc.
 Có sự hiện diện của hai nhân vật chính thì buổi họp mặt “vào cuộc” ngay. Tranh thủ thời gian chưa ngồi vào chỗ, thôi thì các nàng xúm xít lại để chụp hình kỷ niệm bởi tối nay ai cũng có hơi diện một tí hơn thường ngày hầu lên hình cho đẹp. Quý vị phụ nữ ai cũng có tí xanh tí đỏ bôi lên mặt, diện tí váy áo khác ngày thường một chút. Ai cũng đẹp cả bởi có câu "không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp". Nếu cho tôi được ngồi vào ghế giám khảo của cuộc thi hoa hậu quý bà tối hôm nay thì quả thật là bối rối vì "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn...bù". (oánh bài cào mà bù là "ngon" nhứt đó nhe!).
Thôi thì ánh đèn flash của đủ loại máy ảnh, cell phone, máy tính bảng của nhiều người nháy lên liên tục. Các cuộc xếp đội hình thay đổi nhiều chỗ tương ứng với ánh đèn. Ai cũng cười toe và không gian bỗng chốc rộn rịp hẳn lên. Tiệc tiễn biệt nhưng có rất nhiều niềm vui, còn nỗi buồn trong mỗi người sẽ tự tính sổ sau.
Cực nhất trong các buổi họp mặt vẫn là chàng phó nháy Lâm Dũng. Cứ phải chạy tới chạy lui chụp chỗ nầy chỗ kia để lấy hình đưa tin lên trang Hội Ngộ Trung Học Banmêthuột. Chẳng mấy khi thấy gương mặt chàng xuất hiện trong những tấm hình chung.
Tôi làm một sự tò mò trẻ con chút. Trong loạt ảnh mà Lâm Dũng đã post lên có nhiều dạng nụ cười. Tôi chẳng biết những nụ cười đó thể hiện niềm vui sướng trong lòng khi có dịp họp mặt hay vì cười để chụp ảnh cho đẹp? Vụ nầy chỉ có trời biết! 
Chán nhất là bộ mặt Lâm Dũng. Đã chẳng đẹp trai thì chớ mà mặt lúc nào cũng như mất sổ gạo, chẳng măng-giê phô-tô chút nào! Tôi đã dặn anh chàng là để ý chớp một "pô" cận cảnh khuôn mặt cảm xúc của Cô Trâm, nhưng do ngồi quay lưng lại nên hắn không ra tay kịp thời trong khi từ phía xa cách hai dãy ghế, tôi đã “shot” được vào mắt hình ảnh Cô Trâm khẽ chậm nước mắt bằng khăn giấy để kìm sự xúc động của mình xuống. Nguyên nhân những ứa lệ của người phụ nữ nó bí hiểm lắm tôi không đoán ra được, vui cũng khóc mà buồn cũng khóc!
Rồi lần lượt có mặt Thầy Di, Thầy Sĩ. Xong xả vụ chụp hình, những thủ tục cần có của một buổi họp mặt bắt đầu. Có tiếng gõ muỗng coong coong vào ly của Thụy để mọi người chú ý.
First Lady! Thầy Lô nhường quyền phát biểu để Cô Trâm có đôi lời ngỏ cùng các em cựu học sinh và cám ơn sự hiện diện trong buổi tối hôm nay. Đó là tôi đoán vậy bởi ngồi quá xa nên không nghe được cái giọng nữ Huế nhẹ nhàng thỏ thẻ ấy nói gì.

Lúc nào nụ cười xinh tươi cũng hiện diện trên đôi môi của Cô.
Rồi Thụy đại diện cho các bạn bày tỏ tình cảm thương mến chân thành gởi đến Thầy Cô và chúc sức khỏe hai người. Mọi người vỗ tay tán thưởng.
Sau đó thì Hồng B tặng hoa Cô Kim Trâm, Bùi Thị Khuê tặng hoa Cô Nguyễn Thị Thưởng, Võ Thị Lan tặng hoa Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng. Hơi ganh tị một chút, tôi cùng lớp với Cô Phượng Cô Thưởng, nhưng chiến tranh đã không cho tôi được làm Thầy nên chẳng ai tặng tôi một cánh hoa nào. Hì…hì…nhưng bù lại, cuộc đời đã trao tặng cho tôi rất nhiều đóa hoa sống đầy hương sắc!

Thầy Vĩnh và Cô Minh Hưng tới muộn một chút nên chẳng có giỏ hoa nào giành cho Cô. Cô tặng cho Thầy Lô hai quyển thơ của Cô đã xuất bản. Tôi cũng đoán vậy vì xa quá nên không nhìn và không nghe gì được rõ ràng.
Rồi thì nâng ly chúc mọi người sức khỏe và có một buổi tối vui. Chàng Thụy cũng là đầu trò cho chuyện nầy. Men rượu làm cho khuôn mặt nóng bừng lên và trái tim đập rộn ràng những nhịp vui.
Lâm Dũng nháy tôi lên đọc bài thơ Tiễn Thầy. Nhưng tôi nói để lại chút nữa, còn sớm quá sợ làm Cô Trâm mất vui.
Ngồi bên đây bàn tôi nhìn Thầy Di. Dáng vẻ Thầy thể hiện rõ ràng sự khắc nghiệt của thời gian. Bốn năm về trước, được gặp Thầy trong một buổi họp mặt ở nhà Lâm Dũng chào đón Thầy Bùi Dương Chi về Việt Nam và Thầy Di vừa mới trở về sau khi tham dự đại hội 55 năm kỷ niệm ngày thành lập trường Trung học Banmêthuột tại nhà Thầy Liễn bên Mỹ. Không khí vui vẻ và sôi động của cuộc họp mặt vừa qua chừng như chưa tan hết, Thầy rất vui vẻ và sôi nổi kể chuyện đường xa rồi trôi qua chuyện Mậu Thân ở Huế...Mới bốn năm trôi qua thôi mà giờ đây trước mặt tôi chỉ còn là một ông lão ngồi như làm nhạc nền cho cuộc họp mặt nhiều âm sắc. Nhìn Thầy trầm ngâm yên lặng nhìn mọi người vui vẻ mà tôi sợ cho cái tuổi già xế bóng đang tới sát sau lưng mình.
Thầy Lô đi tới từng nhóm để giải bày những tâm tình yêu mến với đám học trò đầu cũng đã bạc. (Mà sao tôi thấy chỉ có các “chàng trai” mang màu tóc pha sương, còn các nàng “thiếu nữ” thì…không hề! Tôi nghi có cái-sự-ăn-gian chỗ nầy quá!)

Có một ông già mặc áo đen, khi phát biểu hay giang hai bàn tay ngửa ra như Cha nhà thờ đang giảng đạo. Đây chắc là một cử chỉ có sau nầy bởi trong ký ức của tôi thì tay phải của ông này khi nói trước lớp luôn luôn có một viên phấn trắng để sẵn sàng vẽ những con số hay những ký hiệu lên chiếc bảng xanh.
Thuỵ xung phong làm haut parleur vì giọng nói của ông già bảy mươi âm lượng còn thấp quá. Quả là một cái loa hàng xịn thuộc loại Sansui hay Kenwood. Chất lượng cực kỳ tuyệt hảo với âm lượng tối đa nên trong phòng ai cũng nghe được. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nó lại chạm mạch. Đơn cử một câu Thầy nói:
 - Thầy rất vui khi các em có mặt ở đây hôm nay. 
Nhưng cái haut parleur lại phát: 
 -  Mời mọi người một trăm phần trăm...
Biết là tiếng loa phát lại "xạo" nên tất cả đều cười xoà vui vẻ.

Trong lúc vui chuyện, Thầy nhắc lại một kỷ niệm xưa. Khi Thầy đứng ra gom học sinh các lớp để tập tành bản hợp xướng, Thầy đã giao cho Kiều Văn Hùng nhiệm vụ lĩnh xướng, nhưng chắc do anh chàng bị mấy cô con gái hớp hồn nên không dám, sau đành chuyển lại cho Phương học lớp Đệ Nhị nhiệm vụ nầy. Cười vui nhưng trong lòng hơi-bị-quê một chút.
Thầy cầm gọn trong lòng bàn tay nửa trang vở học trò được xếp làm đôi ghi mỗi bên một bài thơ: Một của tôi và một là bài thơ hoạ lại của Thầy bằng chữ viết tay màu mực tím. Có mấy ai thấy được màu mực tím của tuổi học trò trong buổi tối hôm ấy không khi đang sống trong thế kỷ hai mươi mốt mà chữ viết bằng bút nguyên tử xanh và chữ in bằng computer đang giữ địa vị độc tôn? 
Dường như tôi hiểu được tâm tình và dụng ý của Thầy qua việc làm đó, nó khiến sự xúc động trong lòng tôi lại dâng cao. Chả thế mà khi Thầy phát biểu là cả đời chưa từng làm thơ nhưng bây giờ có thể làm một bài thơ họa lại thơ tôi giống như đã gặp một người...tri kỷ (!). Bởi trong các bộ môn nghệ thuật không có rào cản về ngôn ngữ, tuổi tác, giới tính hay thứ bậc xã hội. Đó là ưu thế tuyệt vời nhất mà mọi người đều chấp nhận.
Do chất giọng Thầy không còn đủ âm lượng nên tôi xin phép giành lấy nhiệm vụ nầy và có ý kiến nếu Thầy đồng ý sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả cùa nó. Thầy cười xòa rồi gật đầu. Cô nàng “Bé Bự” lại chơi đểu khi kéo một chiếc ghế ra và bảo tôi đứng lên với thâm ý chê tôi lùn. Được thôi! “Nó nhỏ nhưng nó có vỏ”. Thù nầy để đó sẽ trả sau.
Tôi đọc xong bài thơ thì Thầy Sĩ không đồng ý. Đọc nghe không hay, phải ngâm mới hay! Vậy là Cô Thi phải đứng dậy làm nhiệm vụ ngâm cả hai bài xướng họa. Nhưng giọng cô nhỏ quá nên những người ngồi xa chẳng thể nào nghe. Cũng hơi tiếc cho cái tài-làm-thi-sĩ của Thầy Lô không được gởi đến mọi người trong bữa tiệc.
 Tôi lại đọc một bài thơ mới dành tặng Cô Kim Trâm. Cũng nói trước tôi là người Nam Bộ, nhưng xin phép đọc bài thơ pha chút tiếng Huế cho nó…có tí sông Hương.

Lúc đó Thúy Ca đang đứng gần và than phiền sao bữa nay toàn thơ không vậy? Cô nàng hầu như là vị khách muộn màng nhất trong bữa tiệc nên không thể ngồi gần nhóm bạn hữu thân tình vì chỗ ngồi đã kín nên cứ phải đi lòng vòng nói chuyện. Cũng là cái kết quả không hay cho cái tật đi-ăn-đám-cưới của người ở Sàigòn.
Có một cô khác ngồi gần Thầy Lô đứng lên đọc hai bài thơ nhân dịp nầy. Nhưng cũng nghe câu được câu mất. 

Tiếng chén đũa chạm nhau lanh canh, tiếng mời mọc cất lên tràn lấp không gian. Thỉnh thoảng, từ người đầu trò Thụy, tiếng “dzô!” được mọi người hô lên dõng-dạc-đường-hoàng rất phấn khích. Thụy bê đâu ra một chai Johnny Walker Black Label 5 lít đứng gần Thầy Lô và hô to:
-   Thầy mời mọi người cạn chai mới về!

Khà…khà…Cạn chai đó chắc bị mấy chàng áo vàng hỏi thăm để đo nồng độ cồn vì cái cách chạy xe lạng quạng quá.


Cô em út của Thuỵ cũng có mặt cùng chồng con.

Thoáng nhìn nét mặt tôi lại nhớ tới Tâm em chị Thuý ngày nào cùng với cô bé con nhà dạy đánh máy Phương Lan ở đường Tôn Thất Thuyết Banmêthuột đã gắn bó với đám chúng tôi trong cái thời tuổi trẻ sôi nổi.

 Kỷ niệm của tôi về miền đất ấy thì đầy ắp, miễn là cứ chạm vào một nỗi nhớ thì nó tuôn ra cuồn cuộn. Cô ấy qua đời đã lâu, nhưng tối nay hình dáng ấy chừng như trở về ngồi cách tôi vài chiếc ghế. Lòng chợt chùng xuống thoáng chốc khi nhớ về kỷ niệm cũ. Có phải tôi là người đa cảm quá không?

Ngồi chung quanh là những người lạ hoắc mới gặp gỡ lần đầu nên biết nói gì với họ đây ngoài những câu mời mọc nâng ly. Được một lúc tôi bắt đầu...chán nên bước ra ngoài phòng đốt thuốc lá. Quay nhìn lại thì mọi người đang ở trong cao trào nhai và uống. 
Những việc rất bình thường đó không hấp dẫn tôi lắm. Đứng vẩn vơ một lát thì dòng suy nghĩ trong đầu tôi bị...đứng hình!

Tôi lặng thinh xuống lầu ra về hơi sớm mà không nói lời chia tay với ai.
Giá như tôi được thấy cây đàn guitar lấp ló đâu đó, tôi đã quay trở lại phòng chờ đợi những giây phút đẹp đẽ hơn của buổi họp mặt. Tôi đã định sẽ hát vài câu nhân dịp nầy ví dụ như:
Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui...


Nhất là lời trong khổ nhạc cuối:


Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
Chút nắng vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay...


Tôi nghĩ lúc đó chắc Cô Kim Trâm sẽ..."khóc toàn tập".

Sống ở đất Saigon đã hơn bốn mươi năm, hiếm khi tôi trở lại miền cao ấy bởi không có tiếng kêu nào réo gọi, nhưng từ sâu thẳm nó vẫn tồn tại trong tôi hoài hoài. Cuộc sống tất bật trong một thành phố sôi động khiến người ta khó có những giây phút lắng lòng mà nhớ đến miền đất thủa xa xưa trừ những buổi họp mặt như thế nầy. Một chút nhớ nhung bàng bạc. một chút xúc cảm dịu dàng về người và đất cũng như ngôi trường từ đó mọi người đã ra đi. Xin mạn phép dùng một cụm từ của người khác: “Một thoáng Ban Mê” rất hợp với tâm hồn tôi lúc nầy.

Không gian trong những buổi tối mùa mưa có hơi lành lạnh, lòng tôi cũng lạnh hơn so với lúc tới đây. Cái cộng gộp ấy dễ làm người ta...buồn.Những con chữ nầy xin thay lời chia tay với Thầy Cô. Xin chúc Thầy Cô thượng lộ bình an và nhiều sức khoẻ khi đi đến một nơi…không phải quê nhà.

Saigon, ngày 5 tháng 8 năm 2014

HÙNG BI
(60-68)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét